Những góp nhặt nhỏ bé của ngày hôm nay bằng việc quyên góp kinh phí từ người thân, các thầy cô giáo, bạn bè, và sự tiết kiệm của chính bản thân sẽ là bước đệm lớn và tạo tiền đề cho sự lan tỏa yêu thương cho những ngày tiếp theo.
Nhóm sinh viên trường Đại học FPT nghe giới thiệu về các hoạt động của Quỹ
Em Phùng Thị Tố Uyên, sinh viên năm hai lớp MKT1614, K16 chuyên ngành Digital Marketing, Đại học FPT chia sẻ: “Ở trường, tụi em được học môn SSG – Kỹ năng làm việc nhóm, và ý tưởng thành lập nhóm BiBaBiBo kêu gọi các bạn sinh viên, cộng đồng hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại bạo lực được hình thành và ra đời bắt đầu từ những tiết học đó”.
Những ngày đầu là xuất phát từ việc “học đi đôi với hành”, nhưng sau khi đến trao hỗ trợ 6,5 triệu đồng do nhóm huy động từ người thân, thầy cô và bạn bè để hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại, bạo hành thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, và được tiếp xúc với cán bộ, nhân viên Quỹ, được nghe các bác, các cô, các chú cung cấp những thông tin, tư liệu về hoàn cảnh trẻ em trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, được nghe kể về công tác hỗ trợ, các bạn đã muốn đồng hành cùng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để giúp đỡ những em nhỏ kém may mắn. Các em mong muốn được góp sức mình cùng với sự nhiệt tình của tuổi trẻ để chung tay, góp sức vào việc hỗ trợ cho những trẻ em thiệt thòi, nhất là trẻ em bị xâm hại.
Nhóm sinh viên trao hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.
Các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc bi ệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.
Trong những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại kịp thời. Với phương châm hoạt động TẬN TÂM – MINH BẠCH – KỊP THỜI – CÙNG THAM GIA, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã và đang cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.