logo-left-top.png

8 xu hướng sẽ tác động tới trẻ em trong năm 2023

02/03/2023
Dự kiến một chuỗi các cuộc khủng hoảng liên kết với nhau sẽ gây tác động to lớn tới trẻ em trong năm 2023. Một báo cáo (Báo cáo chỉ có bản Tiếng Anh) từ cơ quan hoạt động vì trẻ em của Liên Hợp Quốc (UNICEF), công bố vào Thứ 3, chỉ rõ các xu hướng sẽ định hình cuộc sống của các em trong 12 tháng tới.

Chiến tranh ở Ukraine đã khiến cho giá lương thực và năng lượng tăng cao, nạn đói xảy ra trên toàn cầu, lạm phát - đây chỉ là một ví dụ về cách thức các cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới, trong đó có trẻ em, và cách thức chúng ảnh hưởng lẫn nhau.

Báo cáo “Triển vọng trẻ em năm 2023: Góc nhìn toàn cầu”, cũng đề cập tới nhiều lĩnh vực quan trọng khác, từ tác động đang hiển hiện của đại dịch COVID-19 tới tình trạng phân mảnh của Internet, cho tới tình huống khẩn cấp về khí hậu. Sau đây là 8 góc nhìn phân tích nằm trong nghiên cứu.

1) Đằng sau bóng đen phủ dài của đại dịch lóe lên tia hy vọng từ những đột phá y tế

Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết của an ninh y tế vững chắc trên toàn cầu và nhiều quốc gia hiện vẫn đang đối mặt với nguy cơ. Thật không may, trẻ em thường là đối tượng dễ tổn thương nhất – nếu không phải là do chính vi-rút, thì cũng là do tác động của dịch bệnh.

Đồng thời, đại dịch đã thúc đẩy đáng kể tiến độ phát triển vắc-xin và cải cách hệ thống y tế toàn cầu, và trong năm 2023, điều quan trọng là thế giới cần tiếp tục củng cố hệ thống cấu trúc y tế trên khắp thế giới.

Một bé gái đi qua cây cầu bắc qua một con sông khô hạn

2) Những nỗ lực kiểm soát lạm phát đã gây ra tác động ngoài ý muốn tới tình trạng nghèo ở trẻ em

Lạm phát tăng vọt đã trở thành câu chuyện kinh tế của năm, và không mấy ngạc nhiên khi tác động của nó đè nặng lên các gia đình và trẻ em. Những nỗ lực kiểm soát tăng giá cũng có thể gây ra hậu quả nặng nề, như làm chững lại sự tăng trưởng kinh tế và giảm cơ hội việc làm – đặc biệt là cơ hội cho những người trẻ tuổi.

Chính phủ đã hành động nhằm mở rộng và bảo đảm các lợi ích xã hội, bảo vệ đối tượng dễ tổn thương nhất khỏi tác động của chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng. 

3) Tình trạng mất an ninh lương thực và dinh dưỡng sẽ tiếp tục kéo dài

Tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng do hậu quả của những hiện tượng khí hậu cực đoan, các nút thắt trong những chuỗi cung ứng quan trọng, và các cuộc xung đột như chiến tranh ở Ukraine.

Khi giá cả tăng, các gia đình trên khắp thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc nuôi con – và tình trạng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Một cách để giảm bớt gánh nặng này là xây dựng hệ thống lương thực toàn cầu có khả năng chống chịu tốt hơn.

4) Các cuộc khủng hoảng năng lượng ngay lập tức gây ra tổn hại, nhưng tập trung vào tính bền vững sẽ mang lại một tương lai xanh hơn

Đối với hàng tỷ người, giá năng lượng tăng cao đang khiến chi phí sinh hoạt tăng vọt, và chúng ta chưa chắc chắn về triển vọng trong năm 2023.

Triển vọng đó đã đẩy mạnh sự chú trọng hơn nữa vào quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn, với tiềm năng tạo ra việc làm mới cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, nhiều người trong số đó cảm thấy chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho con đường sự nghiệp mới, nên một phần quan trọng của bất kỳ chương trình năng lượng xanh nào là chuẩn bị những cơ hội đào tạo cho người tìm việc trẻ tuổi.

5) Tập trung vào tài chính khí hậu, miễn trừ nợ cho các quốc gia đang phát triển

Các quốc gia đang phát triển đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình nỗ lực phục hồi từ đại dịch, giải quyết khủng hoảng khí hậu và xử lý căng thẳng kinh tế, nhưng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia này không tăng để đáp ứng nhu cầu ngày càng leo thang của họ.

Nếu không có cải cách để khai thác thêm nguồn tài chính cho công tác phát triển, sự phân bổ nguồn lực sẽ ngày càng mỏng và không đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết – và đó sẽ là tin không tốt đối với trẻ em.

Nguồn Báo cáo của UNICEF